BÁN CHÊNH GIÁ NHÀ Ở XÃ HỘI - CÓ HAY KHÔNG ?

BÁN CHÊNH GIÁ NHÀ Ở XÃ HỘI - CÓ HAY KHÔNG ?

04/08/2023 14:14:04, lượt xem: 601

 

Ngay sau bài báo: “Ngăn chặn nhiễu loạn thông tin trong mua, bán nhà ở xã hội: Trách nhiệm thuộc về ai?”, số ra ngày 22-7-2023, Báo Hànộimới tiếp tục nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh có hiện tượng doanh nghiệp bán nhà ở xã hội thông qua sàn giao dịch bất động sản tự ý bán chênh mức giá so với mức giá được phê duyệt. Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối cần được làm rõ...

 

 

du-an-nha-o-xa-hoi-bamboo-g.jpg

Dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai).

 

Những chiêu “phù phép”...

Gửi đơn đến Báo Hànộimới, bà D. (quận Hoàng Mai) cho biết, do tài chính eo hẹp nên đã tìm đến Dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là THT NewCity) tại xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) để mua nhà ở xã hội. Tại đây, bà D. được giới thiệu đến sàn bất động sản THT Mangala Việt Nam - văn phòng đặt ngay tại vị trí dự án - và được giải thích quy trình ký hợp đồng mua nhà với giá bán chênh so với giá gốc hàng trăm triệu đồng...

Làm rõ hơn thông tin trên, trong vai người tìm mua nhà ở xã hội tại dự án THT NewCity, ngay từ cổng dự án, phóng viên đã được bảo vệ hướng dẫn đến ngay sàn bất động sản. Với hàng loạt thông tin tiếp nhận từ người xưng là nhân viên của sàn giao dịch bất động sản THT Mangala Việt Nam - đơn vị được chủ đầu tư ủy quyền trong tư vấn và bán hồ sơ - việc bán chênh giá đã dần lộ diện.

Trong quá trình tư vấn, người của sàn bất động sản không giấu giếm mức giá bán chênh so với mức giá do Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. Theo đó, giá bán nhà ở xã hội được phê duyệt là 14,7 triệu đồng/m2, nhưng mức giá thực bán đã bị đẩy lên 23,5 triệu đồng/m2. Nếu mua một căn diện tích 61m2, người mua sẽ phải trả 1,433 tỷ đồng; trong khi giá gốc được Sở Xây dựng phê duyệt là 896,7 triệu đồng. Như vậy, mức chênh đã đội lên tới hơn 536 triệu đồng/căn. Tương tự, với căn 56m2, giá sàn bất động sản bán 1,315 tỷ đồng; còn theo mức giá quy định chỉ là 823,2 triệu đồng và mức chênh là gần 492 triệu đồng...

Về mức giá chênh, người của sàn bất động sản giải thích, tuy là nhà ở xã hội nhưng vẫn “phụ thuộc vào giá thị trường”. Mặt khác, 14,7 triệu đồng/m2 là mức giá của 10 năm trước bởi dự án đã mở bán từ năm 2013. Do dự án tạm dừng một thời gian, đến nay mới triển khai tiếp nên mức giá phê duyệt nêu trên sẽ không đủ chi phí xây dựng...

Để hợp đồng mua bán vẫn đúng giá quy định là 14,7 triệu đồng/m2, sàn bất động sản đã “phù phép” bằng cách ký với người mua nhà một văn bản “Đăng ký đặt quyền thuê/mua căn hộ”, trong đó sẽ ghi mức giá thực bán là 23,5 triệu đồng/m2. Sau khi hồ sơ mua nhà hoàn thiện, sẽ có 1 hợp đồng mua nhà ký trực tiếp giữa chủ đầu tư và người mua nhà, với mức giá 14,7 triệu đồng/m2. Sau đó, bản “Đăng ký đặt quyền thuê/mua căn hộ” sẽ được sàn bất động sản thu lại. Như vậy, trong tay người mua nhà chỉ còn duy nhất hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư, mức giá 14,7 triệu đồng/m2. Có nghĩa, hợp đồng này đã hợp thức hóa việc bán chênh giá và trở về trạng thái hoàn toàn đúng quy định pháp luật!?

 

Giám sát đã hiệu quả?

Vì sao những dấu hiệu vi phạm nêu trên vẫn tồn tại? Điều này cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để “hạ hồi phân giải”. Song cần nhìn vào thực tế hoạt động quản lý việc mua, bán nhà ở xã hội hiện nay để đánh giá đúng hiện trạng.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, việc giám sát mua, bán nhà ở xã hội được phân theo từng cấp. Theo đó, UBND cấp huyện (nơi có dự án nhà ở xã hội) có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã thành lập tổ giám sát để theo dõi, giám sát việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội kể từ ngày xét duyệt đối tượng đến khi chủ đầu tư ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng; trường hợp phát hiện vi phạm phải kịp thời xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền...

Tuy nhiên, hầu hết địa phương nơi có nhà ở xã hội đều không phát hiện được vi phạm dù đã thành lập tổ giám sát. Có lẽ, dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) là trường hợp hiếm hoi khi tổ giám sát phát hiện được vi phạm.

“Dự án có 454 căn hộ, mở bán từ năm 2016. Qua kiểm tra khoảng 100 trường hợp, đã phát hiện có trường hợp bán lại nhà khi chưa ở đủ thời hạn (5 năm) bằng cách lập vi bằng”, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Văn Nghĩa thông tin.

Trong khi đó, với các dự án nhà ở xã hội: NHS Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), THT NewCity (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức)..., tổ giám sát không phát hiện vi phạm và đều phản ánh có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đối tượng mua nhà ở xã hội có tính đặc thù, vì thế, để chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước thực sự là chỗ dựa với người mua nhà, các dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực này phải được ngăn chặn, làm rõ ngay từ đầu. Với thực tế nêu trên, đề nghị cấp thẩm quyền xác định rõ trách nhiệm các bên trong giám sát mua, bán nhà ở xã hội và đánh giá tính hiệu quả của tổ giám sát để có giải pháp phù hợp hơn.

Tin liên quan