Nhận báo giá
06/10/2023 09:11:19, lượt xem: 168
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ cháy chung cư mini trên địa bàn các thành phố lớn, gây thiệt hại lớn về người và của. Điều này một lần nữa làm dư luận thắc mắc các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy chung cư mini hiện nay như thế nào? Cách phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini được thực hiện ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra cháy chung cư mini? Trong bài viết dưới đây, Hnsland.vn sẽ cùng bạn đọc tìm câu giải đáp cho các vấn đề trên. Mời bạn cùng theo dõi!
Pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về chung cư mini mà căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở 2014: “Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.”
Theo đó, chung cư mini là nhà ở do cá nhân hoặc hộ gia đình xây dựng trên đất của mình, có từ 2 tầng trở lên, mỗi tầng được bố trí 2 căn hộ trở lên, diện tích sàn xây dựng đạt tiêu chuẩn nhất định, đáp ứng theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành. Căn hộ trong chung cư mini được thiết kế và xây dựng theo kiểu khép kín, bao gồm phòng khách, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm, phòng ngủ,...
Chung cư mini là gì?
Đa số các tòa chung cư mini được xây dựng với 2 mục đích chính là để ở và để sử dụng hỗn hợp ở và kinh doanh. Vì diện tích thường nhỏ hơn các tòa chung cư thông thường nên giá chung cư mini sẽ rẻ hơn mà lại đầy đủ tiện ích, tiện lợi như các toà chung cư thông thường khác.
Như vậy, so với các dự án chung cư thông thường thì căn hộ mini có số lượng phòng trong tòa nhà và diện tích ít hơn hẳn. Mỗi căn chung cư mini có diện tích khoảng 30 – 60m2, hướng đến đối tượng thuê/mua chủ yếu là sinh viên, người có thu nhập trung bình/thấp, người độc thân hoặc hộ gia đình trẻ, ít thành viên,...
Căn cứ theo quy định tại phụ lục IV và phụ lục V ban hành kèm Nghị định 136/2020/NĐ-CP có đề cập đến PCCC chung cư như sau:
Nhà chung cư cao dưới 05 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 05 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 05 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3 phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 07 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 07 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, theo quy định này, chung cư mini dù cao dưới 5 tầng hay trên 7 tầng thì đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Nếu chung cư mini cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên thì chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép PCCC.
Chung cư mini phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy chung cư
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy các chung cư mini được quy định như sau:
Với nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000m3
Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn.
Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt.
Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn.
Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Những người được phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với nhà chung cư cao 7 tầng trở lên
Với chung cư cao 7 tầng trở lên, ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy chung cư mini ở trên thì cần phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có), và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
Những yêu cầu trong quy định về Luật PCCC nhà chung cư ở trên phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động, đồng thời duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Hệ thống PCCC có vai trò vô cùng quan trọng trong các công trình chung cư, tòa nhà cao tầng, cao ốc văn phòng, khu công nghiệp,... để bảo vệ cho tính mạng và tài sản của con người. Chúng ta thường hay nói đến hệ thống PCCC chung cư, tuy nhiên không phải ai cũng biết một hệ thống PCCC đầy đủ bao gồm những gì. Hãy cùng theo dõi nội dung dưới đây để có câu trả lời!
Hệ thống PCCC chung cư gồm những gì?
Hệ thống báo cháy
Hệ thống báo cháy giữ vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy chung cư, giúp phát hiện nguy cơ cháy ngay từ khi có khói. Hệ thống báo cháy được lắp đặt tại tất cả các khu vực công cộng của tòa nhà chung cư để kịp thời phát hiện nguy cơ cháy.
Hệ thống báo cháy gồm có:
Đầu báo khói
Đầu báo nhiệt
Trung tâm báo cháy
Công tắc khẩn
Chuông báo cháy
Khi có nguy cơ xảy ra cháy, hệ thống đầu báo khói, đầu báo nhiệt tự động sẽ phát tín hiệu về trung tâm báo cháy để kịp thời đưa biện pháp xử lý, cảnh báo cho cư dân, cũng như lực lượng PCCC để kịp thời xử lý nguy cơ cháy trước khi nó xảy ra.
Hệ thống chữa cháy
Các hệ thống chữa cháy gồm có: Hệ thống chữa cháy sử dụng nước, hệ thống chữa cháy sử dụng bọt, hệ thống chữa cháy sử dụng khí hoặc kết hợp cả ba. Mỗi một hệ thống chữa cháy lại phù hợp với tính chất khác nhau của đám cháy cũng như đặc thù từng công trình.
Ngoài ra còn có các hệ thống chữa cháy khác như cầu thang thoát hiểm, hệ thống tạo áp cầu thang và thông gió hầm, hệ thống hút khói hành lang, hệ thống chống sét, hệ thống thăm dò khí ga, hệ thống giám sát công cộng, máy phát điện dự phòng,... được thiết kế với mục đích tránh khói cháy xâm nhập vào khu vực cầu thang, tạo lối thoát hiểm cho cư dân và lối vào cho lực lượng chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy.
Các thiết bị trong hệ thống PCCC chung cư
Bình chữa cháy
Vòi chữa cháy, van chữa cháy
Tủ đựng bình chữa cháy, kệ đựng bình chữa cháy
Tủ đựng thiết bị PCCC
Thiết bị báo cháy, đầu báo cháy
Họng tiếp nước, lăng phun chữa cháy
Đèn exit
Câu liêm, bồ cào, xẻng…
Chăn chữa cháy
Dụng cụ phá vỡ chuyên dụng
Nội quy tiêu lệnh
Trang phục, đồ bảo hộ
Thiết bị thoát hiểm
Thiết bị y tế
….
Các trang thiết bị được dùng trong phòng cháy chữa cháy các chung cư
Nếu vi phạm các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy chung cư, người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Dựa theo quy định tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng nếu gây thiệt hại về tài sản dưới 20 triệu đồng;
Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng khi gây hại về tài sản từ 20 - dưới 50 triệu đồng;
Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng khi gây thiệt hại về tài sản từ 50 - dưới 100 triệu đồng;
Phạt tiền 5 – 10 triệu đồng, khi gây hại về tài sản trên 100 triệu đồng, gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ một người có tỷ lệ tổn thương dưới 61%, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương dưới 61%. Hình phạt bổ sung là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh cho người bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Nếu hành vi vi phạm quy định về PCCC gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự. Chế tài cao nhất của tội danh này có thể tới 12 năm tù nếu hậu quả làm chết 3 người trở lên hoặc thiệt hại tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung bởi khoản 115 Điều 1 năm 2017 như sau:
Xử lý hình sự nếu vi phạm phòng cháy chữa cháy cho chung cư ở mức nguy hiểm
Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản và tính mạng của nhiều người. Sau sự việc thương tâm này, người dân càng quan tâm hơn về việc nếu xảy ra cháy nổ tại các tòa nhà chung cư thì ai là người chịu trách nhiệm?
Khi chung cư mini bị cháy, để xác định người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì trước hết cần xem xét nguyên nhân xảy ra vụ cháy là gì, là lỗi cố ý hay vô ý. Đó có thể là lỗi của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà, lỗi của cư dân sinh sống tại đó hoặc lỗi của một chủ thể thứ 3 nào khác. Tùy từng trường hợp mà những người chịu trách nhiệm bồi thường lại khác nhau.
Đối với trường hợp lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư
Đối với trường hợp lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, khi đó chủ đầu tư sẽ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về mặt tài sản và những thiệt hại về sức khỏe, tình mạng nếu nạn nhân yêu cầu.
Lỗi của chủ đầu tư được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, có thể kể đến như:
Thi công, lắp đặt các thiết bị của chung cư không đúng quy trình;
Sử dụng các trang thiết bị nói chung và các thiết bị phòng cháy chữa cháy nói riêng không đúng tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn
Thực hiện thi công xây dựng chung cư không theo bản thiết kế, không đảm bảo những lối thoát hiểm khi cần thiết;
Hệ thống báo cháy và chữa cháy không theo quy định của pháp luật, không đủ khả năng phòng cháy, chữa cháy;
….
Như vậy, một số trường hợp như chung cư bị cháy do chập điện, do chung cư thiết kế không hợp lý gây rò khí,... thì có thể xác định lỗi là do chủ đầu tư.
Cần điều tra nguyên nhân vụ cháy rồi mới xác định ai là người chịu trách nhiệm
Theo quy định của pháp luật, nhà chung cư, kể cả chung cư mini và các tòa nhà kinh doanh phòng trọ cho thuê đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn về PCCC. Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ tòa nhà trên là chung cư mini hay là phòng trọ.
Nếu là chung cư mini thì việc cấp phép, phê duyệt về PCCC được thực hiện và triển khai như thế nào? Nếu là phòng trọ với số tầng, số phòng lớn như vậy thì việc thiết kế đảm bảo an toàn về PCCC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay chưa? Việc đảm bảo an toàn về PCCC được thực hiện như thế nào?
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cơ sở kinh doanh này đã không đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật dẫn đến vụ cháy xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về PCCC (Điều 313 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung bởi khoản 115 Điều 1 năm 2017 về tội vi phạm quy định về PCCC).
Đối với trường hợp thiệt hại gây ra là lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài
Đối với trường hợp thiệt hại gây ra là lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài, tức là họ đã có những tác động dù vô ý hay cố ý gây nên các vụ cháy ở chung cư mini như: sạc pin xe điện bị chập dẫn đến cháy nổ, bếp ga bị nổ, hút thuốc lá,... Lúc này, lỗi thuộc về cả người vi phạm và chủ đầu tư.
Lỗi của người gây cháy có thể được phân thành hai loại:
Lỗi vô ý: Trong trường hợp lỗi vô ý, người này có thể được xem xét giảm mức bồi thường theo quy định tại Khoản 2 điều 585 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Lỗi cố ý: Trong trường hợp này, trách nhiệm pháp lý của họ có thể nặng hơn và có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra.
Trách nhiệm của chủ đầu tư là không đảm bảo các biện pháp thông báo, chữa cháy, hoặc không đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn về PCCC chung cư. Nếu chủ đầu tư đảm bảo được các biện pháp PCCC này có thể đã ngăn ngừa sự cố hoặc giảm thiểu hậu quả cháy nổ.
Vì vậy, trong trường hợp vụ cháy, việc xác định trách nhiệm và bồi thường thiệt hại thường phụ thuộc vào việc điều tra kỹ lưỡng và xác minh nguyên nhân cụ thể của sự cố. Trong tất cả các trường hợp trên, những người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đều phải thực hiện bồi thường theo đúng nguyên tắc được đưa ra tại điều 585 Bộ luật dân sự 2015:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Mặc dù việc bồi thường thiệt hại đã được pháp luật quy định rõ, thế nhưng thực tế cho thấy việc bồi thường này có thể mất một thời gian dài và khá khó khăn. Vì vậy, mọi người dân nên tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy, cũng như tham gia các buổi tập huấn về an toàn PCCC. Các chủ đầu tư cần quan tâm hơn đến việc đảm bảo các tiêu chuẩn PCCC khi xây dựng công trình, cũng như bảo trì PCCC chung cư định kỳ thường xuyên.
Bên cạnh đó, ngoài việc xem xét và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến an toàn PCCC, cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra và rà soát hoạt động cho thuê nhà ở và phòng trọ, đặc biệt là các chung cư mini. Kiểm tra xem các công trình này có đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, đặc biệt nếu chúng nằm trong khu vực có mật độ dân cư đông đúc, lối đi ra vào nhỏ để tránh xảy ra những vụ hỏa hoạn tương tự.
Cách phòng cháy chữa cháy ở chung cư mini
Cách phòng cháy chữa cháy ở chung cư mini như thế nào hiệu quả
Phòng cháy chữa cháy chung cư mini là việc quan trọng bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của những người sinh sống tại chung cư mini. Dưới đây là một số cách phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini:
Niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, các biển cấm lửa, cấm hút thuốc, các tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi dễ xảy ra cháy nổ.
Đảm bảo rằng tất cả các căn hộ và không gian công cộng của chung cư mini được trang bị các thiết bị PCCC cơ bản như: bình chữa cháy, bình cứu hỏa, bộ áo bảo hộ, hệ thống báo cháy, và xây dựng hệ thống thoát hiểm. Đảm bảo các thiết bị này luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt và được bảo trì PCCC định kỳ.
Cư dân và quản lý chung cư mini nên được đào tạo về cách sử dụng thiết bị PCCC và cách thực hiện phương án chữa cháy. Tập huấn định kỳ giúp mọi người nắm vững kỹ năng cần thiết để ứng phó với tình huống cháy.
Lối thoát hiểm là yếu tố quan trọng trong trường hợp cháy. Đảm bảo lối thoát hiểm không bị cản trở bởi đồ đạc, rác thải hoặc xe cộ.
Hạn chế đưa các vật liệu dễ cháy nổ như xăng dầu, khí ga và các chất nguy hiểm khác vào chung cư mini. Đặc biệt, cá nhân hay hộ gia đình sinh sống tại chung cư mini tuyệt đối không nên tích trữ số lượng lớn các chất nguy hiểm dễ gây cháy nổ trong nhà như bình gas mini, xăng dầu…
Hệ thống điện cần phải được lắp đặt và sử dụng theo đúng kỹ thuật. Các hộ gia đình tuyệt đối không được tự ý lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện, các thiết bị bảo vệ hay ngắt tự động khi có sự cố xảy ra.
Khóa van bình gas trước sau đó mới được mở khóa van bếp. Trong quá trình dùng, nếu ngửi thấy mùi khí gas thì cần báo ngay cho các thành viên trong gia đình.
Nếu các gia đình đốt hương, thờ cúng vào những ngày lễ, Tết thì nên tránh xa những nơi có chứa chất gây cháy nổ và cần có người canh để chống cháy lan…
Khi xảy ra cháy, cần báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo đường dây nóng 114.
Mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm về PCCC để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, giúp mang lại cuộc sống, môi trường sống an toàn cho tất cả mọi người. Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn đọc đã có thêm hiểu biết về phòng cháy chữa cháy chung cư cũng như cách phòng cháy chữa cháy ở chung cư mini. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo trên Hnsland.vn nhé!
Tin liên quan