Nhận báo giá
02/10/2023 15:52:25, lượt xem: 175
Thời sinh viên, Mai Phương, sinh năm 1992, từng mơ ước có một căn nhà ở Hà Nội trước tuổi 30. Và đến năm 30 tuổi, Phương không chỉ có 1 căn mà có tận 3 căn chung cư cao cấp với giá gần 15 tỷ đồng. Hiện tại, nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là "mảnh đất" sinh lời, đầu tư của cô nàng 9x.
Phương kể, năm 2014, thời điểm Phương vừa tốt nghiệp đại học, vì chán cảnh đi thuê nhà nên chị đã vay của bố mẹ 600 triệu đồng để mua một căn chung cư ở Linh Đàm (Hà Nội) với giá 650 triệu đồng. Phương cho rằng, có an cư mới lập nghiệp tốt được.
Phương thú nhận, thời điểm đi mua căn nhà đầu tiên này, chị chỉ có 20 triệu đồng tiền tiết kiệm từ thời sinh viên. Khi chủ đầu tư yêu cầu đặt cọc nhà, chị đã nộp ngay 20 triệu đồng. Phần còn lại, chị gọi về gia đình xin trợ giúp.
"Trước khi ra trường, tôi đã đi làm và có một mức thu nhập đều từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Tôi nghĩ, thay vì mình đi thuê nhà, sống cảnh ở trọ, sao không mua một căn nhà để ở lâu dài và tận hưởng những tiện ích. Để có tiền trả nợ, thay vì làm 1 - 2 công việc, tôi có thể làm 3, làm 4 công việc một lúc. Và sau 4 năm, tôi đã trả hết khoản vay của bố mẹ và sinh lời từ căn chung cư đó", Phương kể.
Nội thất trong nhà đều được Mai Phương lựa chọn cẩn thận.
Lý giải về việc chọn chung cư thay vì nhà đất, Phương đưa ra 3 lý do: Thứ nhất, với kinh phí dưới 1 tỷ đồng, nếu mua nhà đất thì vị trí sẽ xa trung tâm, ở trong ngõ nhỏ, diện tích bé và không có chỗ để ô tô. Thứ hai, nhà ở xa trung tâm thì đi làm xa, gặp khó khăn trong việc di chuyển. Thứ ba, ở chung cư có nhiều tiện ích, phù hợp với lối sống, nhu cầu của giới trẻ và đặc biệt an ninh tốt hơn.
Tại thời điểm nhận bàn giao, Phương lãi ngay 200 triệu đồng nếu bán sang tay cho một người khác. Tuy nhiên, mục tiêu lúc đó của chị là mua nhà để ở nên giữ lại. Sau 4 năm, Phương bán đi căn chung cư và chuyển sang nhà mới lời 250 triệu đồng.
Từ đó, Phương nhận ra, nếu biết cách chọn chung cư, chọn vị trí tốt thì ngoài việc để ở còn có thể sinh lời một cách nhanh chóng. Năm 2019, chị mua một căn chung cư cao cấp (giao thô) ở đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) với giá 2,7 tỷ đồng. Sẵn có 900 triệu đồng tiền bán nhà cũ, chị mạnh dạn vay ngân hàng thêm 1,5 tỷ đồng để mua căn hộ này. Năm thứ nhất, chủ đầu tư sẽ trả lãi cho người mua, từ năm thứ 2, mỗi tháng Phương sẽ phải trả ngân hàng khoảng 20 triệu đồng tiền lãi và gốc.
"Trước đây, tôi không dám đi vay ngân hàng vì nghĩ rằng lãi suất cao nhưng tôi đã nhầm. Tôi nhận thấy, khi cần một lượng lớn để mua nhà, vay ngân hàng là nhanh nhất nếu chứng minh được tài chính. Còn tiền gốc và lãi thì mình có thể xoay sở dần để trả nợ. Khi mang nợ chưa chắc phải là điều xấu, nó giúp bạn có thêm động lực để kiếm tiền", Phương nêu quan điểm.
Rút kinh nghiệm từ lần mua nhà đầu tiên, khi nhận được bàn giao thô, Phương mạnh tay chi 300 triệu đồng để làm nội thất các phòng để sau này bán được giá. Năm 2020, chị bán lại căn nhà cho một vị khách với giá 3,05 tỷ đồng. Trừ hết các chi phí, chị lãi khoảng 400 triệu đồng.
Sau đó, Phương tiếp tục một căn hộ cao cấp ở Minh Khai (Hà Nội) 3 phòng ngủ với giá 3,5 tỷ đồng, đầu tư làm nội thất hết 300 triệu đồng. Phương dự định sẽ đón bố mẹ ra dưỡng già nhưng sau này mọi người vẫn thích sống ở quê nên chị tiếp tục lướt sóng căn hộ với giá 4,2 tỷ đồng, lãi 400 triệu đồng trong vòng 2 tháng.
"Mục tiêu tôi mua căn chung cư cao cấp 3 phòng ngủ là muốn đón bố mẹ ra ở chung nhưng sau này kế hoạch bị bể. Và tôi nhận thấy, tôi sống một mình trong căn nhà như vậy là quá lãng phí nên thay vì chỉ để ở, tôi bắt đầu nảy ra ý định kinh doanh. Tại mỗi thời điểm, tôi sẽ mua thêm 2 căn chung cư để lướt sóng và mua cho mình 1 căn hộ nhỏ để ở", Mai Phương nói.
Tuy nhiên, để có được nguồn vốn dồi dào, Phương chọn cách vay ngân hàng với tỷ lệ 30:70. Trong đó, Phương sẽ bỏ ra số vốn trên tổng giá trị căn nhà là 30%, 70% còn lại là đi vay ngân hàng. Sau khi bán được nhà, Phương sẽ dùng số tiền lãi để quay vòng cho các dự án tiếp theo.
"2 năm gần đây, mọi người xu hướng đầu tư đất nền nhưng tôi vẫn chọn chung cư vì chúng có thanh khoản tốt. Tôi đã thử đầu tư 1 - 2 lần đất nền nhưng không thành công. Với lại, đất nền trong nội đô khá đắt đỏ, mình không đủ tiền, mua xa thì lại không rõ pháp lý", chị chia sẻ.
Tuy nhiên, Phương cũng cho rằng, việc vay tiền, bán nhà không "dễ ăn" như nhiều người tưởng tượng. Đôi khi, chị cũng gặp trường hợp dở khóc dở cười khi ngân hàng giải ngân chậm trong khi người bán nhà lại cần tiền gấp. Những lúc như thế, Phương phải xoay sở, thuyết phục người bán đủ đường, thậm chí là vay nóng bạn bè để có tiền trả.
"Phải nợ mới có áp lực, có động lực kiếm tiền", là quan điểm của Vũ Hòa Giang, sinh năm 1991. Tháng 8/2018, Giang mua một căn nhà 5 tầng ở Hoàng Mai (Hà Nội) với giá 2,1 tỷ đồng khi trong tài khoản chỉ có 750 triệu đồng. Số tiền còn lại anh đi vay bạn bè, người thân và hứa trả trong 3 năm.
"Thời điểm đó, bạn tôi cho tôi vay thẳng 2,1 tỷ đồng với cam kết tháng 12/2018 phải trả 50%, số còn lại thì trả trong 3 năm. Tính ra, tôi đi mua nhà đúng nghĩa là chẳng có đồng nào trong tay, vay nợ nên cũng không đắn đo nhiều", anh nói.
Nhiều người trẻ thường đặt mục tiêu mua nhà trước tuổi 30 (Ảnh: NVCC).
Giang cho biết, mục tiêu mua nhà của anh là để chấm dứt cảnh đi thuê trọ và có môi trường tốt cho con khi chào đời. Hơn nữa, ngôi nhà anh mua còn nằm ở vị trí đắc địa, gần trường học, bệnh viện, chợ dân sinh và có chỗ để ô tô.
"Trước khi mua nhà, mình tìm hiểu về bất động sản và nghiên cứu thị trường. Mình thấy, giá nhà qua mỗi năm đều tăng nhanh trong khi mức tăng về thu nhập thì lại chậm. Nếu ở thời điểm đó, mình cứ chần chừ, không dám xuống tiền thì năm sau, năm sau nữa rất khó có thể sở hữu ngôi nhà đó. Đối với loại tài sản thông thường, khi bạn nhìn thấy tiềm năng sinh lời đến 80% thì hãy xuống tiền. Còn với bất động sản chỉ cần 50% vì chúng sẽ tăng giá theo từng ngày và ít khi bị mất giá", anh nêu quan điểm.
Giang cho biết, anh may mắn hơn nhiều người khác là được bạn bè giúp đỡ về mặt tài chính nên không quá áp lực. Dù trước đó, anh đã chuẩn bị một số tiền nhỏ để mua nhà, phần thiếu anh dự tính là vay ngân hàng. "Một năm trước khi mua nhà, tôi phải làm thêm nghề tay ngang là bán cao su. Thông thường, ngày tôi đến cơ quan làm việc, còn chiều tối thì tranh thủ ra quán bán hàng. Nhờ có nguồn khách tốt, chỉ sau một năm, tôi lãi gần 200 triệu đồng từ nghề tay trái này", Giang tiết lộ.
Tuy nhiên, chàng trai 9x này cũng cho rằng, hành trình mua nhà không đơn giản, nhất là khi đối mặt với áp lực trả nợ. "Trong suốt 3 năm, mình luôn phải tuân thủ một số quy tắc nhất định như hàng tháng phải để ra lượng tiền nhất định để trả nợ, cắt giảm chi tiêu không cần thiết và luôn có nguồn thu nhập thụ động ngoài lương", anh kể.
Nhờ giữ đúng nguyên tắc, sau 3 năm, Giang đã trả hết toàn bộ số tiền mua nhà. Thậm chí, anh còn dấn thân vào nghề bất động sản khi nhận ra tiềm năng từ thị trường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn thành mục tiêu trả nợ đề ra vì nhiều nguyên nhân khách quan. Ví dụ như nhà chị Phương Hoa (Hà Nội) vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng để mua một căn chung cư ở Cầu Giấy (Hà Nội). Mọi kế hoạch trả nợ có thể trơn tru nếu như dịch Covid-19 không bùng phát khi 2 vợ chồng chị bị cắt giảm 30% thu nhập. Do đó, chị đã phải cầu cứu bố mẹ ở quê bán đi một mảnh ruộng để trả phần tiền đến hạn thanh toán.
Tin liên quan