Không được kinh doanh sao phải trả tiền?

Không được kinh doanh sao phải trả tiền?

08/10/2021 16:12:28, lượt xem: 651

Những ngày qua, công văn do Công ty Đầu tư Thế giới Di động gửi tới đối tác về việc không trả tiền thuê mặt bằng do ảnh hưởng của dịch Covid -19, gây xôn xao dư luận. Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Thuộc TAT Law firm cho rằng “mục đích thuê là để kinh doanh, không được kinh doanh sao phải trả tiền”.

Dịch bệnh Covid -19 bùng phát nhanh chóng, lan rộng là một sự kiện khách quan, không thể lường trước được, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chứng minh sự kiện này là sự kiện bất khả kháng để doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng, thì còn phải chứng minh các yếu tố khác theo luật định, như: “không thể khắc phục được”, “mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Không được kinh doanh sao phải trả tiền? - Ảnh 1

Có ý kiến cho rằng, sự kiện bất khả kháng phải thỏa mãn yếu tố hợp đồng “không thể thực hiện được” và từ đó cho rằng bản thân Covid -19 không phải là sự kiện bất khả kháng. Thực tế, luật không quy định về yếu tố “không thể thực hiện được” đối với sự kiện, để xác định đó là sự kiện bất khả kháng.

Trong trường hợp vì Covid-19 dẫn đến cơ quan có thẩm quyền, ban hành quyết định hạn chế, cấm đoán (chẳng hạn như hạn chế lưu thông, bốc dỡ hàng, cấm đi làm,…), thì chính quyết định này cũng nên được xem là một sự kiện miễn trừ nghĩa vụ thanh toán. Mục đích của việc thuê mặt bằng là để kinh doanh, nhưng khi nhà nước giãn cách xã hội thì họ không thể kinh doanh được, không được kinh doanh thì sao họ phải trả tiền.

Bên cạnh đó, nếu hợp đồng có ghi nhận thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là ‘sự kiện bất khả kháng’ thì hai bên có nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các tranh chấp tương tự, chúng tôi nhận thấy dịch bệnh như hiện nay là chưa có tiền lệ, nên chưa thấy có hợp đồng thuê mặt bằng nào đưa thỏa thuận này, làm căn cứ xác định sự kiện bất khả kháng.

Nếu hợp đồng không có thỏa thuận ‘dịch bệnh’ là ‘sự kiện bất khả kháng’, thì Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ xem xét 03 yếu tố của ‘sự kiện bất khả kháng’ quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là: khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục được để làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Thực tế, các doanh nghiệp bị tác động do dịch bệnh hiện nay là điều không phải bàn cãi và các doanh nghiệp cũng không thể khắc phục được những khó khăn, ngay cả khi đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, nên cần coi đại dịch Covid -19 là sự kiện bất khả kháng.

Có nhiều quan điểm rằng, Thế giới di động đã lãi hơn 2.500 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm, việc phải bỏ tiền ra bù đắp cho giai đoạn này là chuyện đương nhiên. Thiết nghĩ, chuyện kinh doanh có lãi chuyện của họ, đây là lãi của sáu tháng trước đây, nhưng hiện nay, TGDĐ đang đàm phán, trao đổi, bày tỏ ý kiến của họ về ba tháng khó khăn dịch bệnh hiện tại, chúng ta không nên mở rộng vấn đề lợi nhuận của doanh nghiệp trong quá khứ.

Trong tình huống này, chúng ta cũng không nên đặt ra vấn đề kiện được hay không, kiện như thế nào, vì việc kiện tụng là hết sức đơn giản. Cứ có xung đột, có mâu thuận là có quyền kiện, tòa án sẽ thụ lý giải quyết, việc giải quyết của tòa án trên cơ sở hợp đồng của các bên và pháp luật hiện hành, dù những căn cứ đó có phù hợp hay chưa phù hợp với thực tế đời sống xã hội.

Đa phần, dư luận xã hội đánh giá cách hành xử của TGDĐ là đang “tự tung tự tác”, “tự biên tự diễn”, hay là “ngang ngược”. Nhưng cần một góc nhìn xa hơn, để chúng ta có thể thấy ông chủ của TGDĐ rất “cao” khi “tung ra” cách hành xử như được coi là như “đúng rồi”. Bởi lẽ, nếu đi xin chủ nhà, sẽ rơi vào thế “cửa dưới”, khi đó sẽ phải van ông lạy bà, được (giảm) đồng nào thì hay đồng ấy. Việc “tung” ra văn bản, lập tức biến họ trở thành “cửa trên”, người áp đặt “cuộc chơi” và bên cho thuê phải “chạy theo” để đàm phán với họ. Rõ ràng đây là một “nước cờ cao tay”.

Trong sự việc này, chúng ta đừng nhìn một chiều như góc nhìn của phần lớn dư luận hiện nay. Ngoài góc nhìn của người cho thuê, thì phải có thêm góc nhìn của người đi thuê, mới đảm bảo tính hợp lý công bằng, để từ đó thay đổi những tư duy cũ, ngay cả pháp luật cũng cần thay đổi để bám sát các vấn đề thực tiễn của xã hội dân sinh.

Thời điểm này, thiết nghĩ giữa người đi thuê và người cho thuê cần phải tiến đến gặp nhau ở một điểm chung, cùng chia sẻ gánh nặng với nhau, tạo nên sự hài hòa lợi ích. Đảm bảo các bên hợp tác lâu dài, tránh trường hợp “ăn xổi ở thì”, “tát cạn bắt lấy”, theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Sau đây, khi tiến hành thỏa thuận, giao kết hợp đồng, các bên cần xác lập điều khoản thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh tương tự như dịch Covid – 19, để từ đó hạn chế phát sinh những tranh chấp. ở góc độ nhà nước, TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể, để xác định dịch bệnh Covid - 19 hoặc các dịch bệnh tương tự, được coi là sự kiện bất khả kháng, để làm căn cứ giải quyết.

TAT LAW FIRM

Tin liên quan