Thận trọng với xu hướng giá chung cư tăng cao

Thận trọng với xu hướng giá chung cư tăng cao

05/07/2024 14:50:47, lượt xem: 1158

Thị trường bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội đang ghi nhận sự mất cân bằng cung-cầu. Nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu luôn ở mức cao, khiến thị trường nhà chung cư liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động đầu cơ, "thổi giá" bất động sản.

Theo thống kê của một trang web bất động sản, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong hai tháng đầu năm 2024 đã "leo thang", với mức tăng lên đến 17% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó không ít dự án tăng giá hơn 20% chỉ sau một năm.

Theo đó, giá bán căn hộ chung cư bình dân có mức giá từ 30-35 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư trung cấp, có mức giá khoảng từ 35-50 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư cao cấp có mức giá hơn 50 triệu đồng/m2, phổ biến ở mức giá từ 60-70 triệu đồng/m2. Như ở khu vực phía tây Hà Nội, có dự án đã công bố mức giá rẻ nhất là 66 triệu đồng/m2, chưa gồm VAT.

Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt, những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5 năm đến 10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá lên cao.

Thị trường nhà chung cư có chiều hướng "nóng" lên trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do lãi suất ngân hàng ở mức thấp, khiến nhiều người chuyển kênh đầu tư sang nhà chung cư thay vì gửi tiền vào ngân hàng nhằm tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở của người dân tăng lên trong khi nguồn cung căn hộ không đáp ứng kịp, cũng khiến giá chung cư bị đẩy lên cao.

Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới hết năm 2023 ước đạt 10.500 căn, giảm khoảng 31% so với năm 2022. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung căn hộ mới ước đạt gần 7.500 căn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn cung căn hộ sụt giảm thời gian qua do số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm, trong khi các dự án đang triển khai gặp nhiều khó khăn bởi các vướng mắc liên quan nguồn vốn và các quy định về pháp lý.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm, cả nước cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Trong tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 300 nghìn đơn vị nhà ở. Sự thiếu hụt này đang đẩy giá nhà tăng cao, nhất là ở phân khúc chung cư bình dân và trung cấp. Do đó, nếu không sớm thực hiện các giải pháp cải thiện nguồn cung, áp lực giá nhà tại các đô thị lớn có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, thậm chí kéo dài.

Để tháo gỡ khó khăn, hạ nhiệt giá nhà chung cư, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo quyết liệt nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định; đồng thời, thành lập tổ công tác đặc biệt để khảo sát đánh giá tình hình, khó khăn của các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm, có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành xây dựng Hà Nội, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội tích cực tham gia hoàn thiện các nghị định hướng dẫn cho Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; quan tâm nhiệm vụ quản lý phát triển nhà ở, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhà ở trên địa bàn.

Về đầu tư phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội cần rà soát lại các dự án nhà ở xã hội đã cấp phép, đã khởi công xây dựng để đăng ký chỉ tiêu năm 2024 khả thi, tích cực hơn; thúc đẩy 28 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư, sớm triển khai xây dựng.

Đối với chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Những dự án đủ điều kiện phải được giải ngân ngay. Vấn đề mấu chốt để thúc đẩy giải ngân là cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung. Trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ cung-cầu mới giảm giá thành cũng như hạn chế các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Các chuyên gia về thị trường nhà đất nhận định, các nhà đầu tư nên thận trọng trong việc đầu tư vào thị trường nhà chung cư vào thời điểm này với mục đích "lướt sóng". Điều này không chỉ tạo nên sự bất ổn của thị trường, mà còn có thể khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro khi giá chung cư bất ngờ "hạ nhiệt" với việc nhiều dự án bất động sản sẽ hoàn thành trong thời gian tới, đồng nghĩa với nguồn cung được cải thiện.

Bởi theo Bộ Xây dựng, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn; trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn, sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đề án đến năm 2025.

Tin liên quan